Văn bản sáng lập địa thi học


«Le grand champ de la géopoétique»

Kenneth WHITE

Một lý thuyết ư ? Vâng. Không nên sợ từ này, thời gian gần đây nó đã từng bị xua đi để nhường chỗ cho một đống những thứ vớ vẩn và nhặt nhạnh. Không có lý thuyết, chúng ta đi vòng vo, tồn chất bình luận và ý kiến, đóng mình trong tưởng tượng và ảo ảnh, lạc trong sự ly kỳ, chết đuối trong các chi tiết, ngạt thở trong một thứ đời thường ngày càng mờ đục. Nhưng mọi lý thuyết có giá trị đều phải dựa trên một tư tưởng cơ bản, gắn với thực hành bền vững và phải luôn luôn để ngỏ.

Trải qua hàng thế kỷ và thiên niên kỷ, văn hóa (là thứ văn hóa giúp nâng cao cuộc sống và làm trí tuệ thêm tinh tế, chứ không phải thứ tán nhảm nơi phòng khách) đã được xây dựng trên huyền thoại, tôn giáo, siêu hình học. Giờ đây, nó chẳng được xây dựng trên một cơ sở gì. Đơn giản là nó tăng sinh, theo một thứ luật duy nhất, là luật thị trường. Tất cả mọi người, đúng hơn, ngày càng nhiều người, cảm thấy thiếu vắng một nền tảng. Mọi sử dụng lại những giá trị cũ đều ngây thơ, phiến diện và dớ dẩn, vì thế chúng ta cần xây dựng một nền tảng mới. Chính «địa thi học » muốn đưa ra cái nền tảng đó.

Để có được văn hóa trong nghĩa sâu sắc của nó, trong xã hội phải có sự nhất trí vè cái được coi là chính yếu. Mọi nền văn hóa vững bền và sống động đều có một trung tâm. Mọi người (đương nhiên là ở những mức độ diễn đạt khác nhau) đều khởi đi từ đó – từ nhà triết học trong thư phòng đến người nông dân trên cánh đồng. Vào thời Trung Cổ của đạo Gia tô, thì là Đức mẹ đồng trinh và Chúa cứu thế. Vào thời Hy lap cổ đại, thì là Quảng trường chính trị và triết học. Trong một bộ lạc thời cổ thạch khí, thì là mối quan hệ với thú vật.

Xem thêm: Cánh đồng « địa thi học » rộng mở

Đối với một trí tuệ sáng suốt và ý thức được điều có thể thì ít có những thời kì trong lịch sử nhân loại thực sự vừa ý, và càng hiếm có những thời kì khiến cho người ta vui. Cảm tưởng chung và cảm giác chung mà người ta có được về thời đại của chúng ta, vào cái cuối thế kỉ 20 này, đó là một cảm giác hư vô, một cái hư vô đầy ồn ã, đầy cuồng nhiệt, đầy những diễn ngôn giáo hóa, những thống kê xã hội học, những ô hợp văn hóa giả, đầy tính đa cảm não ruột, và tất cả những điều đó trên nền của nỗi phiền muộn hiện sinh.

 

Có lẽ chăng đó là khoảng rỗng giữa hai nền văn minh, có lẽ chăng cũng chỉ là một không gian đã mòn và cũ kĩ giữa một khoảng rỗng và một khoảng khác còn rỗng hơn thế nữa. Chúng ta vừa ra khỏi những cái gọi là chủ nghĩa, điển hình là chủ nghĩa Marx hay chủ nghĩa Freud, đồng thời cũng đã rời bỏ một vài khuôn khổ nhỏ hẹp được thiết lập ra bởi các ngành khoa học nhân văn. Nhưng rốt cuộc lại để rơi vào một cái nơi tứ chiếng của mọi sự dễ dãi.

Xem thêm: Trên xa lộ của lịch sử

 

Trong lĩnh vực khoa học, có thể nói Những suy xét về vũ trụ dựa trên Thuyết Tương Đối Tổng Quát của Einstein (1917) là tác phẩm đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nhận thức của nhân loại : đó chính là một nỗ lực nhằm thử nhận thức và tư duy về vũ trụ, thay vì chỉ đơn thuần cân đo vật chất và sự vật (một cách có phương pháp). Ở đây, trong bối cảnh của chúng ta, tôi sẽ không bình luận về chuyên luận này mà tập trung đi sâu vào nền tảng tâm lí của con người Einstein, bằng cách dẫn ra từ những trao đổi thư từ của ông với người khác (đặc biệt là với Max Born) một vài câu viết tiêu biểu, hé mở một trăn trở sâu kín, một tự vấn hiện sinh và một không gian tư tưởng (và bản thể) vượt trên cả « sự tìm kiếm ». Chẳng hạn như Einstein đã từng nói đến lối suy nghĩ « tư biện một cách hoang dại » của ông, cũng như đã từng đề cập đến việc phải thoát ra khỏi « lối lô-gich máy móc và chuyên môn hóa », để « thực hiện một cú nhảy vọt vô hạn về mặt trí tuệ và tri thức ». Bởi với ông, nếu như khoa học và tư tưởng muốn tiến bộ và trở nên trọn vẹn hơn thì hai điều này là hoàn toàn tất yếu. Trong lĩnh vực địa thi học, điều cũng làm chúng ta lưu tâm đến chính là quan niệm của Einstein về bản thể con người ông : « Tôi cảm thấy liên kết chặt chẽ với tất thảy những gì có sự sống, chặt chẽ đến mức tôi thậm chí thờ ơ với cả việc muốn biết cá nhân bắt đầu và kết thúc ở đâu ». Và rồi cũng phải kể đến cái đoạn văn trong một bức thư viết năm 1927 mà ở đó Einstein than vãn về sự cách biệt giữa những sơ đồ lô-gich và « những lát cắt cuộc đời đầy thú vị ». Nếu điều người ta nhắm đến là sự sáng tỏ tuyệt đối thì chọn ngôn ngữ toán học chính là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, bởi toán học vốn dĩ luôn sớm trở nên phi thực thể, người ta khó giữ lại một cách vẹn nguyên « cái sinh động trong chuyện kể ». Với Einstein, sáng tỏchuyện kể suy cho cùng chẳng bao giờ tương thích được với nhau và « bi kịch này là thực tế mà chúng ta luôn không ngừng phải trải nghiệm một cách lý tính ».

Xem thêm: Một cách tiếp cận khoa học trường địa thi học

 

Chính Roger Caillois, vào một ngày nọ, đã từng so sánh tính phản xạ thái quá của triết học, thứ triết học mà người ta vẫn quen thực hành, với việc ngà của loài voi ma-mut tự cuốn tròn lại : nói khác đi, đó là triệu chứng « hết đường », « ngõ cụt », biểu hiện của việc thiếu hụt một trường sức mạnh thật sự. Đó cũng là cảm tưởng mà rất nhiều bản văn triết học mang lại cho người đọc và có thể cũng chính vì lẽ đó mà thời gian gần đây, có biết bao kẻ học đòi làm triết gia đã đổi hướng sang dân tộc học, xã hội học, hay thậm chí là cả tham luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cần phải nói rằng, ngay trong nội tại của hoạt động triết học theo đúng nghĩa của nó thì ngay từ cuối thể kỉ 19 và trong suốt thể kỉ 20, cũng đã có những chuyển dịch, những đổi thay tâm điểm, những biến đổi topo mang tính nền tảng sâu sắc hơn và cũng lí thú hơn rất nhiều.

Xem thêm: Tiếp cận địa thi học từ góc độ triết học