Trong lĩnh vực khoa học, có thể nói Những suy xét về vũ trụ dựa trên Thuyết Tương Đối Tổng Quát của Einstein (1917) là tác phẩm đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nhận thức của nhân loại : đó chính là một nỗ lực nhằm thử nhận thức và tư duy về vũ trụ, thay vì chỉ đơn thuần cân đo vật chất và sự vật (một cách có phương pháp). Ở đây, trong bối cảnh của chúng ta, tôi sẽ không bình luận về chuyên luận này mà tập trung đi sâu vào nền tảng tâm lí của con người Einstein, bằng cách dẫn ra từ những trao đổi thư từ của ông với người khác (đặc biệt là với Max Born) một vài câu viết tiêu biểu, hé mở một trăn trở sâu kín, một tự vấn hiện sinh và một không gian tư tưởng (và bản thể) vượt trên cả « sự tìm kiếm ». Chẳng hạn như Einstein đã từng nói đến lối suy nghĩ « tư biện một cách hoang dại » của ông, cũng như đã từng đề cập đến việc phải thoát ra khỏi « lối lô-gich máy móc và chuyên môn hóa », để « thực hiện một cú nhảy vọt vô hạn về mặt trí tuệ và tri thức ». Bởi với ông, nếu như khoa học và tư tưởng muốn tiến bộ và trở nên trọn vẹn hơn thì hai điều này là hoàn toàn tất yếu. Trong lĩnh vực địa thi học, điều cũng làm chúng ta lưu tâm đến chính là quan niệm của Einstein về bản thể con người ông : « Tôi cảm thấy liên kết chặt chẽ với tất thảy những gì có sự sống, chặt chẽ đến mức tôi thậm chí thờ ơ với cả việc muốn biết cá nhân bắt đầu và kết thúc ở đâu ». Và rồi cũng phải kể đến cái đoạn văn trong một bức thư viết năm 1927 mà ở đó Einstein than vãn về sự cách biệt giữa những sơ đồ lô-gich và « những lát cắt cuộc đời đầy thú vị ». Nếu điều người ta nhắm đến là sự sáng tỏ tuyệt đối thì chọn ngôn ngữ toán học chính là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, bởi toán học vốn dĩ luôn sớm trở nên phi thực thể, người ta khó giữ lại một cách vẹn nguyên « cái sinh động trong chuyện kể ». Với Einstein, sáng tỏchuyện kể suy cho cùng chẳng bao giờ tương thích được với nhau và « bi kịch này là thực tế mà chúng ta luôn không ngừng phải trải nghiệm một cách lý tính ».

 

Từ đó, câu hỏi đặt ra là liệu có thể dung hòa, phối hợp giữa chính xác (toán học) và « lát cắt cuộc đời đầy thú vị », giữa sáng tỏ và « chuyện kể sinh động » hay không ? Liệu từ đó có thể thành hình nên một « trường » khác hay không ? Người ta đã sớm ghi nhận những bước đầu cơ bản của một loại trường như thế trong lĩnh vực nhiệt động học và vật lý học lượng tử. Đối với khoa học cổ điển, mà Einstein có lẽ là đại diện tiêu biểu lớn cuối cùng (ông cũng là một kẻ khác người điển hình theo đúng nghĩa của nó), tình cờrối loạn, ngẫu nhiênhỗn độn chỉ đơn thuần là những đại diện tức thời, những thực tế ngắn ngủi, phù du : đằng sau ngẫu nhiên luôn có một tất yếu mang tính quyết định, tư tưởng mà nội hàm gói gọn trong câu nói nổi tiếng « Thượng Đế không chơi trò may rủi ». Thế mà, từ nhiệt động học (sự xao động không ngừng của các phân tử của một chất khí…) và vật lý học lượng tử (vòng xoáy của các hạt cơ bản…), ngẫu nhiên, hỗn độn, vô định không còn là những ảo tưởng sinh ra từ sự ngu muội, thiếu hiểu biết của chúng ta, mà thay vào đó lại góp phần cấu thành nên trò chơi lớn liên thông Vũ Trụ-Đa Vũ Trụ. Nói khác đi, chúng ta đang bước ra khỏi phạm vi của những ngành khoa học « cứng », của chủ nghĩa khoa học cứng nhắc, để bước vào những ngành khoa học « mềm », nếu không muốn nói là « mờ ảo, không rõ nét », nơi điểm nhấn nằm trên sự biến động, tính thất thường và phức tạp.

 

Tính cho đến nay, người ta vẫn luôn tìm cách thử tạo ra từ những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm một diễn thuyết khả dĩ tích hợp được vào một nền văn hóa. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chỉ quanh quẩn ở dạng trùng ngôn rườm rà và dài dòng, thậm chí cũng chẳng đi xa hơn được là mấy cái gọi là thuật hùng biện khoa trương và kiểu cách. Những tưởng đã cận kề một diễn ngôn mới mẻ, thế nhưng cái người ta thấy được lại không gì khác ngoài những biểu hiện cụ thể của chứng diễn ngôn buông tuồng, thiếu tiết chế, không chừng mực. Tuy thế, rất có ý nghĩa khi thấp thoáng đâu đó trong những tác phẩm về tư tưởng khoa học xuất bản những năm gần đây, người ta bắt gặp từ thi học : lúc sang trang, ở những dòng cuối của chương cuối cùng, hay đôi khi là trong cả tựa đề. Trong tiểu luận Liên minh mới (La Nouvelle Alliance) ấn hành năm 1976 của Ilya Prigogine và Isabelle Stengers, chẳng hạn, độc giả không khỏi bỡ ngỡ trước một khái niệm khá lạ thường, khái niệm mà các tác giả không hề dẫn giải một cách tường minh : lắng nghe tự nhiên bằng thi học. Hay như trong cuốn Tiểu thuyết về nguồn gốc của vũ trụ (1989) (Le Roman cosmogonique) của François Foulatier, khi tác giả đề cập đến sự xé nhỏ (dẫn đến xu hướng phân tán) của tri thức hiện tại và sự chuyển động tiềm tàng về một thể thống nhất tương lai, ông nắm bắt chúng bằng thuật ngữ chức năng thi học. Tương tự thế, khi Fernand Hallyn xuất bản Cấu trúc thi học của thế giới (La Structure poétique du monde) năm 1987, ông đâu dành tác phẩm của mình để nói về Mallarmé, mà để nói đến Copernic và Kepler. Đương nhiên, cũng cần nhấn mạnh thêm ở đây, điều đó không hề có nghĩa là cánh cửa sẽ rộng mở cho những nhiệt tình ngây thơ của tất thẩy những thi sĩ xoàng của thế kỉ, hay cho cảm hứng trữ tình phong cách vật lý thiên văn học (điệu blu Big Bang buồn…), hay thậm chí cho những nỗ lực thi vị hóa một cách đầy nhọc nhằn của các chuyên gia khoa học-văn học. Đó hiển nhiên phải là một hình thức thi học mới lạ, chưa có bao giờ, mà những dấu hiệu báo trước có thể tìm thấy được trong tác phẩm của hai nhà sinh vật học Varela và Maturana, khi họ đưa ra khái niệm tự tạo tự sinh để chỉ những hệ thống tự tổ chức phức hợp mà trong quá trình tự dưỡng bằng trật tự và hỗn độn thì tạo nên cái « mình ». Bản thân nó cũng chính là hình ảnh của một đời sống thi học…

 

Và trước khi kết thúc chủ đề này, chúng ta cũng nên nhắc qua đến phép họa đồ mỹ học đã bắt đầu thành hình từ cuối những nghiên cứu nhân chủng, tâm lý và điều khiển học của Gregory Bateson.

 

Kenneth WHITE

(Trích từ Plateau de l’Albatros, 1994)

(Bản dịch của Huy Linh Dao)