Viện địa thi học quốc tế được thành lập năm 1989 bởi nhà thơ và nhà tiểu luận Kenneth White (1936-2023 — ông đã từng giữ chức giáo sư môn Thi pháp học thế kỷ 20 tại Đại học Paris-Sorbonne). Năm 2013, ông đã nhường ghế chủ tịch Viện cho Régis Poulet để dành toàn bộ thời gian cho các công trình của mình, trong đó có các nghiên cứu về địa thi học...

Sau đây là bài mở đầu viết năm 1989.

 

Bỏ qua tất cả các lời ba hoa và các diễn văn vớ vẩn, thì phần cuối thế kỷ 20 được đánh dấu bởi sự trở lại của một giá trị cơ bản, đó là thơ. Mọi sáng tạo trí tuệ, về cơ bản, đều là thơ.
Vấn đề là bây giờ phải biết là thứ thơ cốt yếu nhất, màu mỡ nhất nằm ở đâu, rồi ứng dụng nó.

Khoảng năm 1978, tôi bắt đầu nói đến khái niệm « géopoétique » (tạm dịch là « địa thi học »), một phần vì rõ ràng là hành tinh của chúng ta ngày càng bị đe dọa nên phải quan tâm đến điều này một cách sâu sắc và hiệu quả. Phần khác, dường như với tôi, thơ phong phú nhất sinh được ra trong cuộc gặp gỡ với đất, ngụp lặn trong không gian sinh quyển, để thử đọc các đường chỉ tay của thể giới.


Kể từ đó, từ « géopoétique » đã được sử dụng, nơi này nơi kia, trong những bối cảnh khác nhau. Đã đến lúc nên tập trung các dòng năng lượng đó trong một trường thống nhất.  

Đó là lý do vì sao chúng tôi đã thành lập Viện địa thi học.

Đó không là một « chủng » văn hóa, một trường phái văn chương hay một thứ thơ dạng nghệ thuật nội tâm. Đó là một họat động lớn lao liên quan đến nền tảng của sự sinh tồn của con người trên trái đất.


Trên cánh đồng « địa thi học » cơ bản, hội tụ các nhà tư tưởng và các nhà thơ của mọi thời và mọi nơi. Ví dụ, ở phương Tây, ta có thể nghĩ đến Héraclite (« con người bị tách ra khỏi cái gần gũi nhất », Hölderlin (« Một cách rất thơ con người sống trên mặt đất »), Heidegger (« địa thế học của sự tồn tại »), Wallace Stevens (« những bài thơ lớn về bầu trời và địa ngục thì đã có cả rồi, giờ phải viết bài thơ về trái đất »). Ở phương Đông, ta có thể kể đến tín đồ đạo giáo Trang Tử, đến Matsuo Bashô nhà thơ của cái ao xưa, hay những suy tư về thế giới trong Hoa Nghiêm Kinh.


Tuy nhiên « địa thi học » không chỉ bao hàm các nhà thơ và các nhà tư tưởng. Henry Thoreau vừa là nhà điểu học, nhà khí tượng học (« viên thanh tra của các cơn bão ») và nhà thơ, hay nói đúng hơn, ông mang khoa học vào thơ. Các mối liên hệ giữa « địa thi học » và địa lý thì rõ rồi, nhưng chúng cũng tồn tại với sinh học và sinh thái học (bao gồm cả sinh thái học trí tuệ) phát triển sâu rộng. Thực thế, « địa thi học » tạo nên một không gian gặp gỡ và khuyến khích lẫn nhau không chỉ giữa thơ, tư tưởng và khoa học, mà còn, và điều này ngày càng cần thiết, giữa các ngành rất khác nhau, khi mà chúng sẵn sàng rời bỏ những khung cảnh thường trật hẹp để bước vào một không gian tổng thể (vũ trụ luận và vũ trụ thi học) bằng cách tự đặt ra cho mình câu hỏi cơ bản : cuộc sống trên trái đất hiện nay ra sao ? thế giới hiện nay thế nào ?

Cả một hệ thống có thể hình thành, một hệ thống đầy năng lượng, ham muốn, khả năng, thông tuệ. 

Viết cho Viện « địa thi học ».
28 tháng 4 năm 1989.
Kenneth White.
(Bản dịch của Đoàn Cầm Thi)