Chính Roger Caillois, vào một ngày nọ, đã từng so sánh tính phản xạ thái quá của triết học, thứ triết học mà người ta vẫn quen thực hành, với việc ngà của loài voi ma-mut tự cuốn tròn lại : nói khác đi, đó là triệu chứng « hết đường », « ngõ cụt », biểu hiện của việc thiếu hụt một trường sức mạnh thật sự. Đó cũng là cảm tưởng mà rất nhiều bản văn triết học mang lại cho người đọc và có thể cũng chính vì lẽ đó mà thời gian gần đây, có biết bao kẻ học đòi làm triết gia đã đổi hướng sang dân tộc học, xã hội học, hay thậm chí là cả tham luận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cần phải nói rằng, ngay trong nội tại của hoạt động triết học theo đúng nghĩa của nó thì ngay từ cuối thể kỉ 19 và trong suốt thể kỉ 20, cũng đã có những chuyển dịch, những đổi thay tâm điểm, những biến đổi topo mang tính nền tảng sâu sắc hơn và cũng lí thú hơn rất nhiều.

 

Điều này có lẽ cũng lại khởi điểm cùng Nietzsche, người đã tạo ra hình mẫu lí tưởng của một triết gia-nghệ sĩ điển hình. Và dù phê phán một cách triệt để thi ca và các thi nhân, cũng chính ông là người luôn thể hiện bản thân như một « nhà thi sĩ – thi sĩ cho đến tận cùng giới hạn của từ đó » và luôn tuyên bố rằng « hiện tượng người nghệ sĩ là hiển nhiên và tường minh nhất ». Trong đánh giá chủ quan của tôi, cả sự nghiệp triết học của Nietzsche, vốn tự thân nó đã thấm đầy day dứt và mâu thuẫn, chính là một sự quá độ đến sự hiển nhiên và tường minh đó. Cũng chính như thế mà Nietzsche, dù bản thân không hề hứng thú, đã từng đi xuyên qua « vùng trung lập » của thuyết hư vô để ngược dòng tìm đến trước cả thời của thuyết siêu hình (kết giao với những tư tưởng tiền-Xô-crat, đặc biệt là Héraclite), để rồi cố bước vào một không gian lý học không bị ngự trị bởi bất kì lí tưởng siêu nghiệm nào : Thượng đế, Ý tưởng (hay Quan niệm)… Quả vậy, ở Nietzsche có một sự siêu nghiệm, đó là Siêu nhân : « Siêu nhân, hay cái vượt trên cả con người, đó là ý nghĩa của thế gian ». Thiết nghĩ, huyền thuyết này, bởi đích thực không sai khi gọi nó như thế, đối với Nietzsche mà nói, chính là một phương tiện để tiếp tục sống, để sống-trên-tất cả-những gì còn lại. Tuy thế, khi ông nói trên quan điểm Siêu nhân, như trong Zarathoustra đã từng nói thế, diễn thuyết của ông nghe sao trống rỗng, thiếu nội dung, hoàn toàn rơi vào lối nói khoa trương trữ tình. Rất có thể trong bản thân khái niệm « ý nghĩa của trần gian » cũng còn lại chút tàn dư của tư tưởng mục đích, thậm chí là của thần học.  Rất có thể đấy không phải là ý nghĩa, cũng chẳng phải số phận (ở đây, tôi nghĩ đến Ecce homo), mà là một cảm giác sống cô đặc. Có thể kể đến ở đây một trong nhiều nhận xét thiên tài và vô cùng khai sáng của Nietzsche : « Xung quanh người anh hùng, tất cả đều trở nên bi kịch ; xung quanh thánh nhân, tất cả đều biến thành thơ trào phúng ; xung quanh thần linh, tất cả đều trở thành thế gian trần tục ». Trong quan niệm của tôi, tư tưởng-cuộc sống của Nietzche nằm giữa bi kịch và thơ trào phúng. Có chăng, cái thiếu hụt ở đây là một sự vận dụng, dàn xếp thi học, hay một cái nhìn thi học về thế gian (mà hoàn toàn gạt bỏ được huyền thuyết). Nhưng điều tôi ghi nhận lại được từ Nietzsche, bên cạnh cách phân tích văn hóa triệt để của ông, đó là ông đã phác ra một nền mỹ học khác (« Một ý nghĩa của sự vĩnh cửu và sự ít phương tiện ») cũng như hình mẫu của nhà tư tưởng-thi sĩ.

 

Chính hình mẫu này đã ám ảnh triết học trong suốt một thế kỉ dài. Qua hết tiểu luận này đến tiểu luận khác, chúng ta có thể thấy được biết bao nỗ lực trong lĩnh vực triết học nhằm khai thông ra một cái gì đó gần giống với một tư tưởng thi học. Hình dung của tôi là, nhìn một cách đại thể, thông qua sự phá vỡ của thuyết siêu hình, chúng ta bước ra khỏi lịch sử của chủ nghĩa siêu hình để bước đến một nền địa lí học tinh thần mới, đến một không gian lí học và thi học mới, dù rằng phải thừa nhận rằng điều đó không hề dễ dàng gì. Khi thảo ra như một lời mào đầu những dòng suy nghĩ này, nhất là khi vấn đề đề cập đến ở đây là mối quan hệ giữa triết học và thi ca, tôi nghĩ Heidegger chính là gương mặt không thể không nhắc đến. Cũng như Nietzsche, ông cũng đã từng cố thử đi theo lối mòn của một « tư tưởng nhập môn » để hướng về cái mà ông gọi là những « quản hạt nguyên lai hơn », về một « khoảng trời quang mây mà triết học không hề biết gì đến », về một nơi nằm ngoài những khuôn khổ đã được định sẵn và cũng không khai thác được.

 

Trên những con đường đó, Heidegger hiển nhiên đã gặp những triết học gia, mà chủ yếu theo tư tưởng tiền-Xô-crat, nhưng đặc biệt ông còn đối thoại với cả những nhà thơ, với những kẻ lang thang đi tìm một topo mới về bản thể như Hölderlin, Rilke, René Char. Những cuộc hội ngộ với các nhà thơ này làm cho ông cảm thấy họ đứng trên một mảnh đất nền tảng hơn, cơ bản hơn mảnh đất triết học, và trên hết, ông cảm thấy họ đã suy nghĩ và trải nghiệm xa hơn rất nhiều. Dù rất thận trọng trong việc duy trì một khoảng cách nào đó giữa triết học và thi ca (thay vì đánh đồng hai lĩnh vực), Heidegger sau này khi viết về mối giao du của ông với Hegel và Hölderlin, đã nói rằng ngay từ cuối thế kỉ 18, « trong khi nhà thơ […] đã đi qua và phá vỡ chủ nghĩa duy tâm tự biện thì Hegel mới chỉ đang trên đường định hình ra điều đó ». Tuy thế, chúng ta cũng không còn lạ gì việc tinh thần kiên tín tỉnh lẻ cùng sự sùng tín quê hương của Heidegger, điều mà tôi tuyệt đối không tán đồng, đã đưa nhà triết học Đức đến những địa hạt tế nhị nào.

 

Trong những dòng giới thiệu bước đầu về địa thi học này, hãy cùng nhắc đến Gilles Deleuze, người đã đề xuất ra khái niệm « sự phi lãnh vực hóa » (chúng tôi đã gặp nhau trên lãnh địa du mục), người mà đã thử đưa ra một cách nhìn nhận mới về tác phẩm của Nietzsche trong Nietzsche ngày nay ? (kỉ yếu hội nghị Cerisy-la-Salle năm 1973). Trong các áng luận văn của nhà triết gia-nghệ sĩ, nhà tư tưởng-thi sĩ, của tinh thần du mục, Deleuze cảm nhận được một cách lờ mờ « một cái gì đó không dễ mã hóa và sẽ càng không thể để mã hóa » (« Tôi nói ra điều này một cách rất lờ mờ, rất không rõ ràng »), một cái gì đó mà Nietzsche cố « hữu hình hóa trên một hình thể mới… một hình thể mà có lẽ phải là của chúng ta, hay của Trái đất, của bản văn ». Thông qua châm ngôn và thơ, chúng ta có lẽ được chứng kiến một dòng vận động buông trôi, một phong trào mà rõ ràng « hoàn toàn khác với dòng vận động tưởng tượng của những biểu tượng », và phong trào này thì đồng hành cùng một « mối quan hệ tức thì với cái bên ngoài ». Ấy thế mà, như Deleuze giảng giải, « lái suy nghĩ và tư tưởng lên cái bề ngoài, nguyên văn mà nói, đó chính là điều mà các nhà triết học không bao giờ làm, ngay cả khi họ bàn về chính trị, hay ngay cả khi họ nói về dạo mát ». Nietzsche có lẽ là « người đầu tiên kiến tạo ra một loại hình diễn ngôn hoàn toàn khác », người đầu tiên dám thử một « lối viết nhiều cường độ » có khả năng diễn tả được những « trạng thái sống và trải nghiệm » mà bản thân chúng không phải là những biểu tượng hay ảo ảnh.

 

Deleuze đã triển khai những ghi chú này đặc biệt là trong Nghìn cao nguyên (1980), rồi sau đó tóm lược lại trong Triết học là gì ? (1991). Ở đó, tác giả nói đến ngành…. địa-triết học : « Chủ thể và Khách thể vốn không đủ bởi chúng khiến người ta phỏng chừng không chính xác về tư duy. Tư duy không phải là một sợi dây căng ra nối giữa một chủ thể và một khách thể, cũng chẳng phải sự xoay vần của một trong hai thể quanh cái còn lại. Tư duy cần phải hiểu trong mối quan hệ giữa địa và địa hạt ». Nếu chỉ dừng ở đó thì địa thi học hoàn toàn phù hợp và có chỗ đứng. Lí thú không kém phần phải kể đến phép biện chứng của Deleuze về khái niệm và hình (mà ở đó ông nói đến một « nhân vật khái niệm »), cùng sự phân tích của ông về tình hình chính trị-văn hóa chung : « Chúng ta thiếu một bản hoạch định thực sự (một hoạch định nội tại) ». Tuy nhiên, khi Deleuze đi đến định nghĩa khái niệm « địa-triết học », khi ông nói rằng « Nietzsche đã sáng lập ra ngành địa-triết học trong khi tìm cách xác định những đặc tính quốc gia của nền triết học Pháp, Anh và Đức », nhận định của ông, từ quan điểm của chúng ta, thật sự rất đáng thất vọng. Bởi trước hết, nếu đúng là như thế thì ngành địa-triết học chỉ là một giai đoạn rất sơ khởi trong tư tưởng Nietzsche khi ông đi dạo trên cao nguyên Engadine hay dọc vịnh Gênes. Cùng điều đó, những luồng, những cường độ của Deleuze và Guattari có lẽ mang trong mình một cái gì đó náo nhiệt, bồn chồn, một cái gì đó sớm vội và thậm chí là mang tính tâm thần phân liệt.

 

Trong cuốn Họa đồ phân tích phân lập (1989), nếu như Félix Guattari ra sức nói đến tính tất yếu của việc phải « định vị lại một cách cơ bản con người đối với môi trường », đến « trường khả dĩ », đến ham muốn được « mở ra một cái gì đó dài lâu hơn là những sôi động điên cuồng, chốc lát và tự phát », thì ngược lại, sự « diễn ngôn hóa duy năng » của ông chỉ khiến người ta cảm thấy hoài nghi, nhất là khi điều đó cuối cùng đưa đến một thứ ngôn ngữ vừa không tưởng vừa trữ tình, giống kiểu : « Chỉ có sự cô đặc lại của tiếng nói thứ ba, theo nghĩa tự quy chiếu, - hay nói khác đi, sự chuyển giao từ kỉ nguyên đồng thuận thông tin đại chúng sang một kỉ nguyên bất đồng thuận hậu thông tin đại chúng -, mới cho phép mỗi người đảm nhận một cách đầy đủ nhất những tiềm tàng mang tính quy trình của mình, cũng như có thể biến đổi hành tinh này, nơi mà ngày nay 4/5 dân số sống không khác gì trong địa ngục, thành một thế giới của những phép màu kiến tạo ». Tôi cảm thấy run sợ khi nghĩ đến việc những tư tưởng có lẽ hoàn toàn đầy thiện ý tiến hành thực hiện những « phép màu kiến tạo » như vậy.

 

Chúng ta cũng thấy được điều này, hay chí ít cũng là một cái gì đó tương tự, ở Michel Serres. Nếu như Qua vùng Tây Bắc (1980), dù ít nhiều mang tính kiểu cách tu từ học, tỏ ra cởi mở và đầy hứa hẹn bao nhiêu, thì cùng với Sáng thế (1982) và Bản hợp đồng tự nhiên (1990), « những phép màu kiến tạo » của người nông dân-triết gia vùng Lot-et-Garonne lại phô bày ra theo xu hướng chiều ý và thỏa mãn, đến độ trở nên khó chịu và lố bịch bấy nhiêu. Từ Sáng thế, tác phẩm đã dạy cho chúng ta rằng « khởi đầu của mọi thứ là khúc hát », xin được trích dẫn mà không bình luận ở đây lời gợi nhắc của tác giả đến Eva và Adam : « Với mái tóc vàng, Eva khoác lên người một chiếc váy ngắn đen trắng, cùng những bông hồng in to bản ; đôi giày xanh a xít xứng với chiếc đai lưng cùng màu ; cạnh đó là một Adam tóc nâu sẫm, mang quần dài xanh nước biển, đang run rẩy dưới chiếc áo săngđay vải cải hoa. Họ chủ động hôn nhau đầy thiện chí. Cơn gió nhẹ tháng 10 mơn trớn đưa đẩy chiếc thuyền trên bến. Người ta đang đợi nhổ neo dời bến… ». Còn về phần Bản hợp đồng tự nhiên, Michel Serres dành cho độc giả ở khúc cuối một vài dòng lạc đề trữ tình và gợi dục, đến mức Rousseau, nếu còn sống, cũng phải đỏ mặt vì ngượng. Ở kết đoạn đó, tác giả làm tình với Trái đất : « Tôi là ai ? Một sự run rẩy từ hư không, sống trong một cơn địa chấn thường trực. Vậy mà, trong một phút giây hạnh phúc tột bậc, Trái đất, co thắt, đến hòa làm một với cơ thể tôi đang chệnh choạng vì mệt mỏi. Tôi là ai, bây giờ cho một vài giây tới ? Đâu gì khác ngoài chính bản thân Trái đất. Cả hai chúng tôi cùng sẻ chia trong tình yêu, cùng bối rối gấp bội, cùng phập phồng, cùng hợp nhất trong một vầng hào quang ». Bản thân muốn làm văn sĩ, hay thậm chí là thi sĩ, họ sẵn sàng bước lên chiến tuyến sáng tạo. Nhưng những nhà triết học (hay đúng hơn là những nhà nghiên cứu lịch sử khoa học và triết học) này sẽ còn đi đến đâu nữa đây ?

 

Đối diện với những ý kiến lệch lạc và phô trương này, tôi có thể thấu hiểu việc một vài nhà triết học, những người mà ít theo đuổi thuyết sức sống, ít duy năng một cách trữ tình, thường thích thú hơn khi ẩn mình đằng sau tấm màn bảo vệ của Chủ thể-Khách thể hay của luật và pháp lí. Tôi thông cảm với họ, đồng thời cũng luôn nhủ với bản thân. Tuy nhiên, thông cảm ở đây không phải bởi vì họ sẽ bỏ lỡ dịp may (về điều này thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng họ), mà bởi vì họ rất có thể sẽ bỏ lỡ tư duy, cuộc sống, thế gian.

 

Kenneth WHITE

(Trích từ Plateau de l’Albatros, 1994)

(Bản dịch của Huy Linh Dao)