«Le grand champ de la géopoétique»

Kenneth WHITE

Một lý thuyết ư ? Vâng. Không nên sợ từ này, thời gian gần đây nó đã từng bị xua đi để nhường chỗ cho một đống những thứ vớ vẩn và nhặt nhạnh. Không có lý thuyết, chúng ta đi vòng vo, tồn chất bình luận và ý kiến, đóng mình trong tưởng tượng và ảo ảnh, lạc trong sự ly kỳ, chết đuối trong các chi tiết, ngạt thở trong một thứ đời thường ngày càng mờ đục. Nhưng mọi lý thuyết có giá trị đều phải dựa trên một tư tưởng cơ bản, gắn với thực hành bền vững và phải luôn luôn để ngỏ.

Trải qua hàng thế kỷ và thiên niên kỷ, văn hóa (là thứ văn hóa giúp nâng cao cuộc sống và làm trí tuệ thêm tinh tế, chứ không phải thứ tán nhảm nơi phòng khách) đã được xây dựng trên huyền thoại, tôn giáo, siêu hình học. Giờ đây, nó chẳng được xây dựng trên một cơ sở gì. Đơn giản là nó tăng sinh, theo một thứ luật duy nhất, là luật thị trường. Tất cả mọi người, đúng hơn, ngày càng nhiều người, cảm thấy thiếu vắng một nền tảng. Mọi sử dụng lại những giá trị cũ đều ngây thơ, phiến diện và dớ dẩn, vì thế chúng ta cần xây dựng một nền tảng mới. Chính «địa thi học » muốn đưa ra cái nền tảng đó.

Để có được văn hóa trong nghĩa sâu sắc của nó, trong xã hội phải có sự nhất trí vè cái được coi là chính yếu. Mọi nền văn hóa vững bền và sống động đều có một trung tâm. Mọi người (đương nhiên là ở những mức độ diễn đạt khác nhau) đều khởi đi từ đó – từ nhà triết học trong thư phòng đến người nông dân trên cánh đồng. Vào thời Trung Cổ của đạo Gia tô, thì là Đức mẹ đồng trinh và Chúa cứu thế. Vào thời Hy lap cổ đại, thì là Quảng trường chính trị và triết học. Trong một bộ lạc thời cổ thạch khí, thì là mối quan hệ với thú vật.

 

Vào một lúc nào đó, sau những năm dài tìm hiểu về lịch sử và văn hóa so sánh, tôi tự hỏi là có tồn tại một thứ mà, dù khác nhau về tôn giáo, hệ tư tưởng, đạo đức và tâm lý, dù có thể sống ở Bắc, Nam, Đông, Tây của trái đất, chúng ta có thể dựa vào đó mà nhất trí được không. Tôi đi đến một ý nghĩ, đó chính trái đât, hành tinh kỳ lạ, đẹp đẽ và dường như khá hiếm trong giải thiên hà, nơi tất thẩy chúng ta đều cố gắng sống, dù nói chung là những cố gắng rất tồi.

Vì thế mới có từ « géo » (địa) trong từ « địa thi học ».

Còn từ « thơ », tôi không sử dụng nó trong nghĩa hàn lâm của « lý thuyết thơ ». Ở đây, vấn đề không là thơ theo nghĩa truyền thống (thơ thuần túy, thơ cá nhân, vân vân), càng không là thơ theo nghĩa rộng (tưởng tượng kiểu điện ảnh, trữ tình lối ca từ, vân vân) như chúng ta thường thấy. Hãy bỏ qua tính xã hội học quá nghèo nàn này, và nghĩ đến khái niệm « trí tuệ thơ » (nous poetikos) của Aristote chẳng hạn.

Tôi định nghĩa từ « thi học » như một hoạt động cơ bản của tư tưởng. Theo tôi, chính như thế mà có thể xây dựng, không chỉ thi học văn chương, mà còn thi học triết học, thi học khoa học, và rất có thể, tại sao không, thi học chính trị. Nhà địa thi học ngay từ đầu đã xếp mình trong cái « quá cỡ ». Tôi hiểu điều đó trước hết theo nghĩa « lượng », nghĩa bách khoa (tôi không vứt bỏ « lượng », miễn là nó có đủ lực để tiến lên), sau đó theo nghĩa « đặc biệt », vượt-ra-mọi-cỡ (ở ngoài các cỡ). Chuyển tải quá cỡ các chất liệu, nhất là các chất liệu của trái đất, trong nghĩa rộng về đồ vật và động vật, địa thi học mở ra một không gian mới về văn hóa, tư tưởng, đời sống. Tóm lại, một thế giới mới.  

Nhân đây, tôi xin giải thích thêm : tôi nói « nhà địa thi học » (giống như ta nói nhà logic học, nhà toán học), chứ không nói « địa thi sĩ », để không khép địa thi học trong một định nghĩa vừa trữ tình vừa mơ hồ về địa lý. Địa thi học, dựa trên bộ ba tình ái – lời nói – vũ trụ, tạo nên một hòa hợp tổng thể – đó chính là cái mà tôi gọi là « một thế giới ».

Một thế giới, được cảm thông, sinh ra từ sự gặp gỡ giữa tinh thần và trái đất. Khi sự gặp gỡ đủ nhạy cảm, thông minh, tinh tế, thì chúng ta có một thế giới với đầy đủ ý nghĩa của từ đó. Khi sự gặp gỡ ngu ngốc và tàn bạo, chúng ta sẽ không có thế giới nữa, không có văn hóa nữa, mà chỉ càng ngày càng nhiều điều ô uế.

Với tôi, tất cả đã bắt đầu trong một không gian 20 cây số vuông trên bờ Tây vùng Scotland, trong mối quan hệ trực tiếp với mọi vật của thiên nhiên. Có thể ai đó sẽ nói rằng không phải người nào cũng có được một khung cảnh thiên nhiên. Tôi hiểu điều đó. Nhưng ở đây tôi muốn công nhận tầm quan trọng của một khung cảnh, nó có thể là bước mở đầu dẫn đến việc hình thành một ý thức triệt để, và vì vậy dẫn đến một chính sách, một cách giáo dục khác. Ngay cả trong nhưng khung cảnh đô thị nghèo khó nhất, thì luôn có những dấu hiệu, những dấu vết mà người ta có thể lần ra được, và người ta có thể cảm nhận chúng một khi mà tinh thần được thức tỉnh và định hướng. 

Để đổi mới và mở rộng kinh nghiệm mở đầu triệt để của mình, tôi đã đi qua nhiều lãnh thổ, luôn với mục đích phát triển sự cảm nhận và sự hiểu biết về mọi vật của cá nhân mình. Và giờ đây tôi tiếp tục điều đó, vì không nên đánh mất mối liên hệ giữa ý nghĩ và cảm giác, giữa tư tưởng và xúc động.

Chính vào năm 1979, khi đi du hành, viễn du, lang bạt (tôi sử dụng tất cả những từ đó, tất cả những phương thức đó, tùy dịp và tùy cảnh) suốt dọc bờ bắc vịnh Saint-Laurent, đi về phía bán đảo Labrado, mà ý tưởng về địa thi học đã thành hình. Tôi đã kể về chuyến đi này, cố gắng nói lên tất cả tầm quan trọng của cảm giác, của ý tưởng trong cuốn « Con đường xanh dương ».

Các cuốn tiếp theo không những chứng minh vấn đề này mà còn đưa ra những đề nghị mới.

Trong cuốn Bình nguyên Albatross, dựa theo góc độ triết học, khoa học và thi học, tôi đã dựng lên tấm bản đồ đầy đủ nhất về khái niệm địa thi học mà tôi cho rằng càng ngày càng nổi trội trong công việc của tôi và tôi càng ngày càng thấy tầm quan trọng của nó trong khung cảnh chung của chúng ta. Địa thi học, thực thế, là một loại lý thuyết-thực hành có thể cung cấp một nền tảng và cơ hội cho tất cả các loại thực hành nào (khoa học, nghệ thuật, v.v), muốn thoát khỏi những bộ môn quá trật hẹp nhưng vẫn chưa tìm thấy một cơ cấu mới và một lực đẩy bền vững.

Bên cạnh những tiếp cận khoa học, triết học và thi học, tôi thêm chân dung hiện sinh và trí thức của một số nhà địa thi học tiêu biểu như Humboldt, Thoreau hay Segalen, trước hết để nhấn mạnh rằng tư tưởng không tách rời cuộc sống thực, lý thuyết bắt nguồn trong hiện thực, nhưng cũng để chứng minh rằng ý tưởng địa thi học đã tiềm ẩn trong một số cá nhân ở mọi nơi mọi thời. Một ý tưởng tự nhiên xuất hiện là một điều hoàn toàn bịa đặt. Tôi đọc mòn tác phẩm của các bậc tiền bối, làm nó phát ra năng lượng. Vấn đề không chỉ là sự uyên bác và lịch sử, đó còn là cách dựng lên một môn địa lý của trí tuệ.

Chính để gìn giữ cho ý tưởng địa thi học tất cả sự chính xác và những triển vọng của nó mà tôi quyết định thành lập Viện địa thi học quốc tế năm 1989.

Vài năm sau đó, tôi đưa ra dự án tổ chức một "quần đảo" các tổ làm việc khắp nơi trên thế giới, để áp dụng ý tưởng địa thi học vào các bối cảnh địa phương khác nhau.

Ý tưởng địa thi học tiếp tục phát triển, các tổ làm việc hoạt động theo nhiều cách thức khác nhau, Viện địa thi học vẫn giữ được phong độ của nó và mở ngỏ các triển vọng.


(Bản dịch của Đoàn Cầm Thi)