Đối với một trí tuệ sáng suốt và ý thức được điều có thể thì ít có những thời kì trong lịch sử nhân loại thực sự vừa ý, và càng hiếm có những thời kì khiến cho người ta vui. Cảm tưởng chung và cảm giác chung mà người ta có được về thời đại của chúng ta, vào cái cuối thế kỉ 20 này, đó là một cảm giác hư vô, một cái hư vô đầy ồn ã, đầy cuồng nhiệt, đầy những diễn ngôn giáo hóa, những thống kê xã hội học, những ô hợp văn hóa giả, đầy tính đa cảm não ruột, và tất cả những điều đó trên nền của nỗi phiền muộn hiện sinh.

 

Có lẽ chăng đó là khoảng rỗng giữa hai nền văn minh, có lẽ chăng cũng chỉ là một không gian đã mòn và cũ kĩ giữa một khoảng rỗng và một khoảng khác còn rỗng hơn thế nữa. Chúng ta vừa ra khỏi những cái gọi là chủ nghĩa, điển hình là chủ nghĩa Marx hay chủ nghĩa Freud, đồng thời cũng đã rời bỏ một vài khuôn khổ nhỏ hẹp được thiết lập ra bởi các ngành khoa học nhân văn. Nhưng rốt cuộc lại để rơi vào một cái nơi tứ chiếng của mọi sự dễ dãi.

 

 

Chúng ta đã đi đến cuối xa lộ, cuối « con đường phong cách » của Phương Tây.

 

Trước khi dấn mình vào những con đường phức tạp hơn thế, trước khi thử cố mở ra một khoảng không gian hoạt bát và nhiều sinh khí hơn thế, tôi muốn thử đưa ra đây một cái sơ đồ của xa lộ Phương Tây này. Sơ đồ này chỉ nhắm đến một điều : đó là cho phép chúng ta có thể thoát khỏi cái ồn ào xô bồ thường nhật và định hình bản thân trong những phối cảnh lâu dài hơn. Hãy cùng tiến hành từng bước một.

 

Chính Platon và Aristote là cội nguồn và nền móng của tư tưởng diễn ngôn Phương Tây : một bên là nhà triết học duy tâm tiêu biểu nhất, bậc thầy của thuyết siêu hình, và một bên là nhà sáng lập ra các chế độ và hệ thống phân loại. Con người phương Tây duy tâm, hoặc chẳng ra gì và bản thân thì khó chịu đựng được cái chẳng ra gì đấy. Người phương Tây chết dần chết mòn giữa một chủ nghĩa duy tâm hoang tưởng và một chủ nghĩa hư vô hủy diệt. Để dựng lên một tri thức, họ phân chia, phân loại, sắp xếp lại. Việc phân chia và phân loại cần thiết như thế nào, chẳng ai phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng có thể trở nên hạn chế bởi hiện thực luôn vượt quá chúng. Tình hình ngày nay chính là như vậy. Ngành phân loại học mà Aristote sáng lập ra cần phải được nhìn nhận lại. Cốt lõi của vấn đề là mọi nỗ lực thử phạm trù hóa hiện thực chỉ có một khoảng thời gian tồn tại ngắn hạn, rồi sau đó không tránh được việc phải trải qua một thời gian chết, bởi mỗi thời đại mang đến những kinh nghiệm đã được tích lũy và có khả năng quy nạp những kiến thức mới. Những kiến thức này cuối cùng cũng không khớp với những khuôn khổ cũ kĩ đã được thiết lập trước đó. Rồi đến khi tất cả những sơ đồ cũ không còn phù hợp nữa, trí tuệ bị chặn lại không tiến triển thêm được. Cái chúng ta cần làm ngày nay, đó là phải vượt lên trên tư tưởng hệ thống hóa truyển thống của Aristote và tìm cách phát minh ra những khuôn khổ mới, thiết lập một không gian trí tuệ và văn hóa mới.

 

Nhưng chúng ta trước hết hãy thử quan sát tổng thể cả khu rừng, thay vì lạc lối trong bụi rậm. Và vì thế, hãy thử xem lại những cột mốc lớn trong lịch sử.

 

Chúng ta chắc hẳn không quên rằng diễn thuyết nền tảng của Hi Lạp cổ đại đã được lồng ghép thêm một diễn thuyết tôn giáo (thứ tôn giáo đi theo thuyết Nghìn năm và mang tính giáo điều) của đạo Cơ Đốc. Vào thời Trung Cổ, Thượng đế ngự trị thay vì những Ý tưởng của Platon (hay đúng hơn, ban đầu đơn thuần chỉ là việc Sáng tạo vũ trụ đã soán chỗ Ý tưởng, nhưng sau này triết học đã « lí tưởng hóa nó lên ») ; và tại nơi vốn là địa hạt của phép biện chứng giữa bản thể nhân loại đang lạc lõng trong đêm đen ngu muội và ánh sáng của những Ý tưởng, người ta thấy dựng lên một hệ đối lập giữa Đấng Sáng Tạo và Con người-Sinh vật được tạo ra. Tất cả những điều đó đều được định hình sẵn trong một thứ tự tôn ti-tiên nghiệm, thế gian được coi như một thung lũng nước mắt, nơi của những thử thách tất yếu mà người ta phải trải qua để xứng đáng hưởng cuộc sống vĩnh hằng, cuộc sống ở nơi khác sau khi chết.

 

Đến thời Phục Hưng, cùng với việc tái khám phá tư tưởng của Platon và Aristote, chúng ta chứng kiến sự trỗi dậy của huyền thoại học cổ điển mà từ đó cả một nền tu từ học thần thánh đã ra đời và chất đầy thi ca phương Tây trong nhiều thế kỉ sau này. Nhưng nền thần thoại học đó (mà khi nhắc đến, người ta sẽ nghĩ ngay đến những nữ thần sông suối và những thần rừng) còn chuyển tải cả một cách nhìn mới mẻ về thế gian và chính nó cũng dẫn đến một quá trình tái thiết lập liên hệ kinh hoàng. Cho đến thời đại của những Khám phá, cách nhìn mới này còn được nuôi dưỡng bởi sự tồn tại của các không gian lạc thú và ngoại xuất. Mà cũng chính như thế mà sau này, chúng ta cũng ngoại xuất lên « Tân Thế Giới » những tín ngưỡng của đạo Cơ Đốc (chẳng hạn như toàn bộ danh mục tên thánh được dùng để đặt tên cho các hòn đảo) và những khái niệm của chủ nghĩa cổ điển (như Thời Đại Vàng, Arcadie…). Tuy nhiên, trên thực tế, người châu Âu phải đối mặt với những điều kì lạ, với một tự nhiên chẳng những không ăn nhập với những hệ thống phân loại khoa học đã được thiết lập mà còn rất xa vời với những thể chế chính trị đã và đang tồn tại. Người ta lơ là, phá hủy, chỉnh đốn, rồi chuyển vị, nhưng « cái thứ vật chất mới » này vẫn còn cần phải tư duy lại. Theo như tôi thấy, đến giờ nó vẫn chưa thực sự được tư duy và xử lí, và tiếc thay, ngay cả Hiện Đại cũng không phải là thời đại mà việc đó được thực hiện.

 

Hiện đại, theo cách nhìn của cá nhân tôi, bắt đầu cùng Descartes, hay đúng hơn là với thuyết Descartes. Hệ tư tưởng lúc này không còn xoay quanh Đấng Sáng Tạo và Con Người (hay Sinh vật được tạo ra) như ở thời Trung cổ nữa, mà chủ yếu đối lập giữa Chủ thể và Khách thể. Hoạch định của con người hiện đại rõ ràng và rất cụ thể : đó là làm chủ và sở hữu tự nhiên. Descartes đã khai trương ra một quan niệm về Chủ thể hoàn toàn khác với quan niệm của người công dân Hi Lạp cổ hay của thành viên một bộ lạc nguyên thủy. Cùng với sự tiến bộ của hiện đại và chủ nghĩa tân thời, quan niệm này ngày càng được củng cố vững chắc và càng khẳng định vị trí của mình hơn. Chủ thể, dưới một hình thức nào đó, ngày càng trở nên chủ quan hóa, thiếu cởi mở với bên ngoài và trên tất cả là tự tù túng trong chính rạp chiếu tinh thần của mình (đến mức cuối cùng cũng phải kết thúc hành trình trên ghế đi văng của một nhà phân tâm học). Trong khi đó, Khách thể thì ngày càng trở nên khách quan hơn. Từ đó dẫn đến một sự li khai triệt để giữa con người và thế gian, một thứ thế gian mà từ lâu đã chẳng còn được coi là vật chất hữu dụng hay để khai thác. Người hiện đại không nhìn thấy rừng, nhưng lại cho rằng nó sẽ sản sinh ra biết bao tấm ván trong tương lai. Với ý thức hạn hẹp và thiển cận của mình về tính hữu dụng, chẳng những họ bỏ sót vô vàn của cải mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng, mà còn tự hủy đi điểm tựa của chính mình. Người hiện đại ngày nay (liệu chăng chúng ta đang ở giai đoạn cuối của Hiện đại ?) đã đi đến điểm phải sống và tồn tại theo một cái cách thực sự khiến người ta ngao ngán, trong một môi trường cằn cỗi, thậm chí không khác gì ác mộng.

 

Mặc dù thế, ngay từ cuối thể kỉ 18, với chủ nghĩa Lãng mạn, đã có không ít phản ứng tiêu cực và nhiều phản kháng mà phần lớn có lẽ quá chủ quan. Chủ thể ý thức được rằng mình bị tước đoạt đi tất cả mọi thứ. Chúng ta chứng kiến biết bao nỗ lực đa cảm và hoang đường nhằm tìm lại sự kết nối với thiên nhiên. Trong một thời gian dài, người ta chỉ quan tâm đến những phương diện hời hợt và bề nổi nhất, thậm chí là biếm họa và lố lăng nhất, ví như tính đa cảm cực đoan, hay như một bản thể yêu đắm đuối, nếu không đến mức điên loạn rồi tự tử, thì chí ít cũng cố chấp khư khư ôm lấy mộng tưởng trung cổ của mình cốt nhằm bảo vệ bản thân.

 

Cá nhân tôi cho rằng người ta đã hơi quá lơ là các mặt khác của vấn đề, chẳng hạn như những nỗ lực nhằm thoát ra khỏi khuôn khổ bó hẹp của các ngành khoa học truyền thống vốn bị tách rời khỏi nhau bởi sự ra đời của những ngành khoa học mới (lý sinh học, tâm-sinh-vật lý học, …) hay bởi sự tìm kiếm những phương thức diễn đạt mới (như trường hợp của Novalis). Nhiều nỗ lực trong số đó không thành công, bởi chủ nghĩa lãng mạn cũng đã để lại sau nó một mảnh đất màu mỡ nhưng chưa được khai phá một cách đến nơi đến chốn. Chỉ có điều, dù đã có không ít nỗ lực, chúng ta phải thừa nhận rằng một vài thất bại, đặc biệt là những thất bại lớn, đôi khi lại lí thú và có ý nghĩa hơn là những thành công nhỏ.

 

Và rồi đến thời của Hegel, triết gia vĩ đại cuối cùng. Đây cũng thực sự là lúc tư tưởng triết học đi ngược dòng và tách biệt khỏi những gì tồn tại trước đó bởi một đường phân thủy. Đối với Hegel, người đã tiếp nối và đặt lại vấn đề cho cả nền triết học phương Tây, « Ý niệm » không còn ở « trên trời », « ngoài hang động » mà nó nằm trong Lịch sử ; Lẽ phải vận động trong thời gian. Người ta chẳng còn đọc thơ, và thay vào đó, thứ họ đọc đầu tiên là nhật báo : chức năng cao nhất của trí tuệ không còn là nghệ thuật mà là năng lực xây dựng quan niệm từ những sự kiện. Tiến bộ, với tư cách là một phạm trù, đã ra đời từ đó. Lịch sử hướng đến một nơi nào đó : tùy thuộc vào việc chúng ta lí luận dựa trên hệ tư tưởng nào mà nơi đó có thể là một Siêu Nhà nước (như dự án của nước Thổ), hay hạnh phúc cho nhiều người nhất có thể (như dự án của chủ nghĩa tự do), hay còn là một Nhà nước mà chính nó sẽ dẫn đến sự biến mất của Nhà nước (dự án của chủ nghĩa Marx). Khuynh hướng tiến bộ này về sau đã để lại dấu ấn trên toàn bộ thế kỉ 19 và một phần lớn của thế kỉ 20. Và người ta chỉ bắt đầu thôi không còn tin vào nó cách đây một thời gian ngắn. Các quốc gia theo chủ nghĩa Marx ở phía Đông muốn có một bước ngoặt mới. Những người theo khuynh hướng tiến bộ của phương Tây không còn đánh trống thổi kèn phô trương ầm ĩ như trước. Ở phía Đông, người ta bấu víu vào những cái gọi là bản sắc dân tộc hay tôn giáo, người ta quy đạo theo chủ nghĩa tư bản dưới những hình thức thô sơ nhất của nó. Còn ở phía Tây thì một chính quyền tầng lớp trung gian hoan hỉ và mị dân đang ngự trị trên nền của một sự tuyệt vọng đến bình thản.

 

Không có tương lai ?

 

Chắc chắn một điều là cái « xa lộ » mà như tôi thấy thì không dẫn đến đâu cả, ngoại trừ đến những điều nhạt nhẽo vốn ngày càng trở nên nhạt nhẽo và bị ngắt quãng bởi những thảm họa đây đó (chỗ này thì có Tchernobyl, chỗ kia có thủy triều đen, …), tất cả gói lại trong một cái ồn ã thường nhật cốt để làm cho người ta tin rằng đâu đó đang có chuyện xảy ra. Đối mặt với tình hình này, chẳng lẽ không còn gì nữa để làm sao ? Có lẽ chúng ta đôi lúc đã có cảm giác như thế. Tuy thế, mọi cuộc sống cá nhân đều có nhu cầu trải rộng năng lượng của mình ra. Để làm được như thế, mỗi người phải tự học cách tích lũy năng lượng, khám phá cho chính mình những nguồn cảm hứng mới, phiêu lưu thám hiểm trên những con đường khác của cảm giác. Đường hướng đó không dễ thực hiện bởi câu hỏi đặt ra là làm thế nào để định hướng bởi người ta luôn tìm cách thoát ra khỏi cái « xa lộ » mà tôi vừa phác thảo ra sơ đồ ?

 

Ngay từ cuối thế kỉ 19, một vài tư tưởng đặc biệt cảnh giác và sáng suốt đã từng tự đặt cho mình câu hỏi này, bởi họ đã linh cảm thấy « xa lộ của phương Tây » sẽ đưa chúng ta đến đâu. Họ cũng đã vẽ ra theo cách riêng của mình những nét đầu tiên của một trường sức mạnh mới. Đó là một Nietzsche đã bóc tách rành mạch chủ nghĩa hư vô, là một Rimbaud đã chế giễu bước đi của thời gian bằng câu hỏi « Tại sao thời gian không quay vòng ? ». Một cái gì đó khác đã bắt đầu manh nha ngoài những khuôn khổ đã được thiết lập và những hệ phân loại quen thuộc. « Hãy thủy trung với trần gian », đó là lời khuyên của Nietzsche – nhà tư tưởng, nhà thơ mà suy nghĩ luôn dựa trên những dẫn cứ khoa học. Còn Rimbaud (người mà bản thân cũng nuôi dưỡng mình bằng tư tưởng khoa học) thì đã từng tuyên bố : « Nếu tôi có khiếu thưởng thức, chắc có lẽ ít chỉ dành cho đất và đá ». Đấy chính là khởi đầu của ngành địa thi học, trong một loại địa chất học tinh thần. Chúng ta đều biết con đường bi thương mà hai vĩ nhân này đã trải qua. Bởi ngay lúc bước ra khỏi « xa lộ » để phiêu lưu trong không gian mà nó không hề để ý đến, người du mục trí thức vốn đã lột xác thành một nhà địa thi học không tránh khỏi khó khăn để khai thông cho mình một lối đi : anh ta kéo theo một sự kế thừa và xã hội thì sẽ không ngừng tìm cách, bằng hình thức này hay hình thức khác, khiến anh ta câm lặng, bởi khi mở ra một khu vực rộng hơn, anh ta gây quá nhiều phiền nhiễu và rối loạn. Đương nhiên, thời gian sau đó, người ta sẽ lại than vãn xót thương cho số phận của những nhà thơ bị nguyền rủa và những nhà tư tưởng không được thấu hiểu và đánh giá đúng mức. Nhưng đồng thời người ta cũng vẫn sẽ tiếp tục chẳng hiểu gì cả. Ngược lại, điều đáng phải làm, đó là phân tích những sai lầm của họ và, nếu có cơ hội, thử tìm hiểu điều mà rốt cuộc họ muốn nói đến là gì, cũng như thử cố gắng xem họ muốn kéo dài những sai lầm đó đến chỗ nào.

 

Kenneth WHITE

(Trích đoạn Plateau de l’Albatros, 1994)

(Bản dịch của Huy Linh Dao)